Một trong những nguyên nhân cơ bản sau 12 năm thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí không đạt mục tiêu đề ra, theo Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam VAMI Đào Phan Long, chính là sự dàn trải trong xác định các sản phẩm cơ khí trọng điểm, trong khi năng lực của doanh nghiệp hạn chế, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực cơ khí chưa được các tổ chức tài chính, tín dụng quan tâm. Mặc dù Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp cơ khí năm 2002 nhưng mãi đến năm 2009 mới có quyết định cụ thể hóa các cơ chế hỗ trợ “xem được ưu tiên, ưu đãi gì”, và đến giờ “hầu như vẫn nằm trên giấy bởi mỗi bộ, ngành còn hiểu theo những cách khác nhau”.
Bức xúc hơn cả là Chủ tịch Công ty ô tô Xuân Kiên Bùi Ngọc Huyên, khi đã nhiều năm theo đuổi chiến lược nội địa hóa và hoàn thiện 3 dòng xe tải nhẹ và xe cá nhân. Miệt mài với thương hiệu ô tô made in Vietnam Vinaxuki, hăm hở với chính sách ưu đãi cho ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp cơ khí trọng điểm và cụ thể hóa là công nghiệp ô tô, nhưng giờ đây, ông Bùi Ngọc Huyên bất lực bởi Vinaxuki đã trở thành con nợ lớn, với những chiếc xe còn dang dở như chính những chính sách được thực thi nửa vời, mặc dù Vinaxuki chế tạo được ba loại xe tải, ba loại xe con từ năm 2012 với mức nội địa hóa 50%.
Đồng quan điểm, Tổng giám đốc Công ty CP chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) Phan Tử Giang khẳng định, các chính sách hỗ trợ khá chung chung và khó có thể triển khai trong thực tế - khi dẫn chứng việc tiếp cận vốn cho 2 dự án giàn khoan dầu khí trị giá gần 500 triệu USD vào năm 2010 (dự án thuộc danh mục cơ khí trọng điểm được ưu tiên hỗ trợ) nhưng Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) không đáp ứng được nguồn vốn, khiến PV Shipyard phải vay thương mại 800 tỷ đồng với lãi suất 21% trong vòng 6 tháng để đầu tư. Ông Phan Tử Giang kiến nghị, các chính sách phải mang tính thực tiễn cao hơn và khả thi. Các chính sách hiện nay mang tính hàn lâm, chưa thể thực hiện trên thực tế một cách tốt nhất.
Trước rất nhiều kiến nghị của doanh nghiệp từ cơ chế, chính sách vĩ mô, sản phẩm trọng điểm đến những ưu tiên về vốn cho các sản phẩm thuộc danh mục này… Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) Đào Phan Long cho rằng, các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cần ngồi lại để xem đã đầu tư đúng hướng chưa, công nghệ đã đủ sức cạnh tranh chưa, các doanh nghiệp cơ khí thuộc các thành phần kinh tế đã hợp tác với nhau để tạo sức mạnh chưa, cách thức quản lý sản xuất trong doanh nghiệp đã bài bản chưa.
Liên quan đến cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí, theo ông Đào Phan Long, trước tình hình hội nhập WTO, các hiệp định thương mại quốc tế để mở rộng sân chơi, cần chú trọng bảo vệ thị trường cho cơ khí, dành nhiều đơn hàng cho cơ khí mà không vi phạm các quy định của thị trường khi hội nhập. Thứ hai, nên học kinh nghiệm các nước để không vi phạm các hiệp định mà vẫn khuyến khích được doanh nghiệp trong nước bằng những sắc thuế riêng cho sản phẩm cơ khí trọng điểm. Thứ ba, doanh nghiệp phải có thật nhiều đơn hàng, thì cơ khí Việt Nam mới phát triển.
Cũng theo Hiệp hội cơ khí Việt Nam, kể từ năm 2018 rất nhiều loại hàng hóa trong khu vực ASEAN sẽ được giảm thuế, cạnh tranh sẽ rất gay gắt. Nhà nước cần nghiên cứu các chính sách thuế để bảo vệ sản phẩm cơ khí trong nước; học tập cách làm của các nước trong quá trình tham gia đàm phán các hiệp định thương mại để xây dựng hàng rào kỹ thuật cho sản phẩm cơ khí trọng điểm trong nước đã sản xuất được.